-
- Tổng tiền thanh toán:
HƯỚNG DẪN CÁCH TÍNH ĐỘ DỐC MÁI
Hướng dẫn cách tính độ dốc mái bằng công thức chuẩn nhất giúp bạn xác định được chính xác độ dốc của mái là bao nhiêu.
Mái nhà là bộ phận quan trọng của ngôi nhà. Mái có tác dụng che mưa, che nắng và bảo vệ toàn diện cho ngôi nhà tránh khỏi những tác động trực tiếp từ môi trường. Ngoài ra, mái nhà còn có tác dụng thẩm mỹ khi lựa chọn đúng và phù hợp sẽ giúp công trình trở nên thanh thoát, cao ráo hoặc bề thế hơn tùy vào mong muốn của gia chủ.
Trong vai trò bảo vệ ngôi nhà, độ dốc của mái sẽ quyết định đến khả năng thoát nước nhanh hay chậm, có gây ra tình trạng đọng nước hay không. Độ dốc của mái hay chính là độ nghiêng của mái. Độ dốc hợp lý thì khả năng thoát nước nhanh, nước không bị đọng lại và gây thấm dột. Và ngược lại, độ dốc không phù hợp, một là gây đọng nước, hai là sẽ gây tốn vật liệu khi độ dốc quá dài vượt tiêu chuẩn.
QUY ĐỊNH VỀ ĐỘ DỐC MÁI CHO TỪNG LOẠI MÁI
Có rất nhiều các kiểu mái nhà khác nhau, như mái bằng, mái thái, mái ngói, mái tôn,... Mỗi loại mái sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau, đồng thời độ dốc mái khi ứng dụng vào công trình thực tế cũng có sự khác biệt.
Theo TCVN 4604:2012
Theo mục 4.2 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4604:2012 thì tùy vào vật liệu xây dựng mà độ dốc mái được quy định như sau:
Loại mái | Độ dốc mái |
Tấm lợp amiăng xi măng | từ 30 - 40% |
Mái lớp tôn múi | từ 15 - 20% |
Mái lợp ngói | từ 50 - 60% |
Mái lợp tấm bê tông cốt thép | từ 5 - 8% |
Lưu ý: Đối với độ dốc mái nhỏ hơn 8% thì phải tạo khe nhiêt ở lớp bê tông chống thấm. Khoảng cách giữa các khe nhiệt nên >24m theo dọc nhà.
Trên thực tế
Trên thực tế, tùy vào từng loại mái và kiểu nhà mà độ dốc mái có sự khác nhau linh hoạt, phù hợp.
- Độ dốc mái tôn: Đối với mái tôn nhà vườn có diện tích lớn thì độ dốc mái nên từ 10 - 20%. Đối với nhà ống mái tôn thì độ dốc nên lợp là 10 - 15%. Đối với mái tôn nhà xưởng thì độ dốc dao động từ 10 - 30%.
- Độ dốc mái ngói: Đối với ngói cao cấp như ngói âm dương thì độ dốc mái khoảng 40%. Đối với ngói dẹt, ngói vảy cá, ngói móc thì độ dốc không dưới 50%. Đối với ngói xi măng thì độc dốc dao động từ 45 - 75%. Nói chung, độ dốc mái ngói cần tối thiểu 30% và tối đa khoảng 60%.
CÁCH TÍNH ĐỘ DỐC MÁI THEO CÔNG THỨC CHUẨN NHẤT
Hiện nay, độ dốc mái được tính theo công thức sau:
i = m x 100% Trong đó:
- i là độ dốc mái
- m là hệ số độ dốc mái, được tính bằng công thức m = H/L (H là chiều cao mái và L là chiều dài mái).
-
Như vậy, để tính được độ dốc mái thì trước hết phải biết chiều cao mái và chiều dài mái là bao nhiêu, lấy chiều cao mái chia cho chiều dài mái để ra hệ số độ dốc mái, sau đó nhân với 100%.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỘ DỐC MÁI
Không phải mọi trường hợp đều áp dụng bất di bất dịch công thức tính độ dốc mái nói trên. Mà trên thực tế, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra con số lý tưởng nhất cho độ dốc mái. Cụ thể:
- Lượng mưa: Ở những khu vực thường xuyên xảy ra mưa, mưa với lượng lớn thì cần có độ dốc mái cao để đảm bảo khả năng thoát nước nhanh chóng, kịp thời (đổi lại sẽ tốn chi phí cho vật liệu mái).
- Chiều dài mái: Để tạo ra sự cân bằng cho ngôi nhà thì đối với những ngôi nhà có mặt bằng rộng, mái không nên làm quá thấp; còn đối với những căn nhà có mặt bằng nhỏ thì mái mái không nên làm quá cao sẽ gây ra sự mất cân đối và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Chất liệu mái: Tùy vào loại mái sử dụng mà độ dốc mái cũng có sự khác biệt. Lấy ví dụ là mái tôn, thì quy định chung đối với mái tôn là độ dốc từ 10 - 20%. Tuy nhiên, tôn cũng có nhiều loại như tôn lạnh 1 lớp, tôn cách nhiệt 3 lớp, tôn 5 sóng, tôn 11 sóng,... Đối với tôn sóng to và cao thì khả năng thoát nước tốt hơn nên khi lớp mái có thể giảm độ dốc của mái xuống. Mái ngói cũng vậy, tùy vào ngói bê tông, ngói xi măng, ngói mũi, ngói âm dương hay ngói lưu ly mà độ dốc mái cũng có sự khác biệt.
- Tính thẩm mỹ: Có những công trình mà nếu độ dốc mái quá lớn hoặc quá nhỏ sẽ gây mất cân bằng, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ thì có thể giảm bớt hoặc tăng lên độc dốc. Khi lợp mái, gia chủ cần xem xét đến tính thẩm mỹ và hài hòa với công trình để lựa chọn con số về độ dốc mái phù hợp.
Như vậy, mặc dù cách tính độ dốc mái đã có công thức cụ thể như trên, nhưng trên thực tế tùy vào từng công trình khác nhau mà độ dốc mái cũng khác biệt tương ứng. Gia chủ nên nhờ đến các kiến trúc sư, thợ xây dựng có kinh nghiệm để tính toán độ dốc mái nhà sao cho phù hợp nhất.