-
- Tổng tiền thanh toán:
Tại sao gạch thông gió dễ bám bụi nhưng nhiều nhà vẫn xài?
1. Tại sao người Việt thích xài gạch thông gió (gạch bông gió)?
Gạch thông gió (hay còn gọi là gạch bông gió, gạch lấy gió, gạch ô thoáng...) là vật liệu được ưa chuộng những năm gần đây. Ngoài tạo tính thẩm mỹ, gạch bông gió còn có ưu điểm lấy sáng, lấy gió mà vẫn che được nắng, một số mẫu gạch thông gió còn có thể che mưa.
Theo kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), việc kết hợp giữa kiến trúc và gạch bông gió mang đến cho người dùng cảm giác gần gũi, mộc mạc, tạo nên sự kết nối không gian giữa bên ngoài và bên trong nhưng không làm mất đi sự riêng tư. Chính vì những ưu điểm đó mà gạch bông gió ngày càng được các kiến trúc sư áp dụng trong thực tế.
Trong cuộc sống gạch thông gió được sử dụng với một số mục đính chính sau:
- Trang trí mặt tiền nhà với gạch thông gió: Sự góp mặt của gạch thông gió ở mặt tiền sẽ giúp ngôi nhà giải quyết được những vấn đề chống nóng, cải thiện ánh sáng bên trong nhà, thoáng khí và mang đến nét đẹp hoài cổ kết hợp hiện đại.
- Gạch bông thông gió trang trí tường rào: Ứng dụng này của gạch thông gió giúp bớt cứng nhắc cho những bức tường gạch xây kín mít tại những ngôi nhà cổ hay biệt thự.
- Gạch thông gió làm vách ngăn phòng: Đây là giải pháp phân chia không gian khi không cần quá tách biệt tính riêng tư giữa các phòng, đồng thời khiến cho không gian trở nên nổi bật và rộng rãi hơn.
Với những ngôi nhà ở vùng nhiệt đới, để chống nắng, người ta thường sử dụng gạch thông gió hoặc lam. So với lam gỗ thì gạch thông gió rẻ hơn, dễ kiếm hơn. Ngoài ra, gạch thông gió còn có chức năng thay khung bảo vệ cho cửa kính.
Để có được một tác phẩm kiến trúc mặt đứng đẹp kết hợp với gạch bông gió, cần dựa trên những yếu tố như điều kiện khí hậu, tỷ lệ đặc rỗng của công trình, công năng và mục đích sử dụng. Cuối cùng cần nghiên cứu đánh giá và sử dụng hướng nắng, hướng gió tác động lên công trình. Yêu cầu này nhằm kết hợp hài hòa giữa công năng sử dụng và tính thẩm mỹ.
Tóm lại, có thể lý giải nguyên nhân người Việt ưa chuộng gạch thông gió bởi:
- Tạo không gian mở, tăng điểm nhấn thị giác
- Điều hướng được ánh sáng, gió và nắng, giúp không khí trong phòng luôn được lưu thông.
Tuy nhiên, cần biết cách sắp xếp, kết hợp đúng gạch bông gió với nội thất hoặc kiến trúc ngoại thất để cho ra đời một tác phẩm kiến trúc đẹp, độc đáo và có giá trị sử dụng với công năng vượt trội.
2. Ngoài dễ bám bụi, gạch thông gió còn có những nhược điểm nào?
Ngoài những ưu điểm vượt trội, gạch bông gió cũng có những nhược điểm sau:
- Khả năng chống thấm, chống hắt mưa kém. Hiện nay trên thị trường có một số mẫu gạch thông gió có thể chắn mưa, tuy nhiên vệ sinh khá khó khăn.
- Không có khả năng cách âm, chống ồn bởi phần lớn các loại gạch bông gió có cấu trúc rỗng và nhiều lỗ.
- Không có khả năng chống bụi.
- Trọng lượng viên gạch dày và nặng. Kích thước phổ biến của gạch thông gió là từ 6,5 – 8 cm và nặng từ 3 – 10 kg. Với kích thước này, để di chuyển và thi công gạch thông gió sẽ tốn nhân công hơn.
- Khó thi công. Các công trình sử dụng gạch bông gió ở mặt tiền thường được thi công chuyên nghiệp bởi loại gạch này không xây như vật liệu khác, mà cần hệ thống xương đảm bảo kết cấu và an toàn khi hoàn thiện. Vì vậy thi công bằng gạch thông gió có nhược điểm là tốn nhiều thời gian và kén thợ hơn.
- Chi phí cao: Do tính năng và giá trị thẩm mỹ cũng như quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên giá gạch thông gió luôn cao hơn hẳn các loại gạch thông thường khác.
3. Vệ sinh gạch thông gió như thế nào?
Nhiều người cho rằng, việc vệ sinh gạch thông gió khá khó khăn do nhiều chi tiết rườm rà, thiết kế hoa văn kiểu cách. Tuy nhiên, với hệ thống máy móc chuyên dụng, vấn đề vệ sinh gạch thông gió đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Khi vệ sinh, cần dùng vòi nước xịt mạnh hay máy thổi hoặc máy hút bụi để vệ sinh gạch bông gió. Còn đối với rêu bám, có thể dùng sơn ngoại thất chống rêu, chống bụi để phủ lên bề mặt.
Gia chủ có thể tự thao tác vệ sinh gạch thông gió, hoặc tìm tới các đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh gạch thông gió chuyên nghiệp.